Bị loãng xương khiến xương dễ bị giòn và gãy dù chỉ là một va chạm nhẹ. Vậy bị loãng xương có nên đi bộ không? Những lưu ý khi tập thể dục cho người bị căn bệnh này là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết này nhé.
Vì sao người bị bệnh loãng xương cần tích cực tập thể dục?
Cùng với việc sử dụng đúng phác đồ điều trị của bác sĩ thì tập luyện thể dục thể thao trong chế độ sinh hoạt cũng rất quan trọng. Vậy cụ thể nó quan trọng như thế nào?
- Khi tập thể dục, các bài tập sẽ tạo lực nén lên cơ bắp, bàn chân, cẳng chân, các tế bào xương… nhờ vậy trương lực cơ được cải thiện giúp cơ thể có thể giữ thăng bằng tốt làm giảm nguy cơ bị té ngã gây gãy xương. Sự co kéo cơ học và sinh học của cơ bắp sẽ tác sẽ động lên xương, nhờ vậy có thể giúp xương phát triển và chắc khỏe hơn.
- Tập thể dục sẽ giúp quá trình lưu thông máu lên não và toàn bộ cơ thể diễn ra thuận lợi hơn, nhờ vậy có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa, giúp tăng khả năng tạo máu, giúp hệ thần kinh minh mẫn hơn.
Ngoài ra, người bệnh nên lựa chọn đi tập thể dục ngoài trời vào sáng sớm hoặc nếu tập trong nhà thì nên lựa chọn nơi thoáng mát và có ánh nắng chiếu vào. Điều này, sẽ giúp cơ thể bổ sung vitamin D làm tăng khả năng hấp thụ canxi giúp xương chắc khỏe.
Bị loãng xương có nên đi bộ không?
Đi bộ là một bài tập aerobic đơn giản, dễ thực hiện, cường độ thấp giúp tăng tính linh hoạt và ổn định của các khớp dính, tăng sức mạnh cơ bắp của các nhóm cơ vai, chân, các nhóm cơ thân dưới đồng thời giúp cải thiện chức năng của tim mạch và hệ hô hấp, giúp tiêu hao năng lượng và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Theo các chuyên gia thì người bị loãng xương tuy có mật độ xương thấp nhưng vẫn có thể chọn bài tập đi bộ đặc biệt là đi bộ nhanh (đi tốc độ 5km/giờ hoặc 20 phút/1,6km) để cải thiện sức khỏe cơ thể nói chung và sức khỏe xương nói riêng.
Đi bộ nhanh sẽ kích thích quá trình chuyển hóa xương, cải thiện mật độ xương (mạnh nhất là xương ở vùng cột sống thắt lưng và xương gót chân). Phương pháp đi bộ nhanh này khá ưu việt so với đi bộ thông thường hoặc chạy bộ bởi nó tác động lên mặt đất thấp giúp giảm thiểu áp lực cho các khớp và bàn chân nên có thể hạn chế rất nhiều rủi ro.
Những lưu ý khi tập thể dục cho người bị loãng xương
Theo các chuyên gia, khi tập thể dục người bệnh cần chú ý những môn tập những động tác tập giúp cải thiện mật độ xương, xây dựng sức mạnh cơ bắp ở chân (đặt biệt là ở quanh hông và mông), các bài tập chịu trọng lượng cho chân, cột sống, với các bài tập cho cổ tay và cánh tay, bài tập tăng khả năng giữ thăng bằng nhờ vậy sẽ hạn chế tình trạng té ngã gây gãy xương
Những động tác người bệnh loãng xương cần tránh
Tập thể dục rất tốt cho cơ thể nhưng với những người bị bệnh loãng xương khi tập cần chú ý tránh một số động tác hoặc bài tập gây ảnh hưởng đến xương, dẫn đến gãy xương. Cụ thể:
- Các động tác kéo giãn, bài tập gây áp lực lên vùng ngực (động tác trong môn yoga), các môn vận động thường xuyên phải xoay người hoặc vặn cột sống như: chơi gôn, bowling, quần vợt…
- Các bài tập gập người về phía trước, bài tập uốn cong cột sống, các môn thể thao dễ bị ngã hoặc va chạm với người khác (đá bóng, bóng chày, bóng rổ, bóng chuyền…) hoặc các môn thể thao chuyển động nhanh – mạnh – đột ngột (nhảy cao, nhảy xa…)
Trên đây là một số thông tin trả lời cho câu hỏi “người bị loãng xương có nên đi bộ không?” Nếu bạn còn băn khoăn chưa biết lựa chọn môn thể thao nào phù hợp với tình trạng xương khớp của mình hãy hỏi ngay bác sĩ hoặc các chuyên gia vật lý trị liệu để được tư vấn nhé.