Mỗi chị em trước khi tới kỳ kinh nguyệt đều có những triệu chứng rối loạn tiền kinh nguyệt phổ biến như: đau đầu, mệt mỏi, đau lưng… Vậy đây là biểu hiện bình thường của cơ thể hay chúng tiềm ẩn những nguy cơ với sức khỏe, là những dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe mà chị em cần thận trọng?
Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt là gì?
Hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt (còn được gọi là Hội chứng căng thẳng trước kỳ kinh nguyệt – PMS). Đây là nhóm tập hợp các dấu hiệu về cảm xúc và sức khỏe thể chất sẽ xuất hiện ở phụ nữ trong khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày trước kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng này thường có xu hướng giảm dần hoặc biến mất sau khi kinh nguyệt bắt đầu.
Nguyên nhân nào gây nên tình trạng rối loạn tiền kinh nguyệt?
Cho tới nay, các nguyên nhân gây ra PMS vẫn chưa thực sự được hiểu rõ, tuy nhiên có một số yếu tố được cho là có tác động đến việc xuất hiện các triệu chứng, bao gồm:
- Thay đổi trong cân bằng hormone: Trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, mức độ của các hormone giới tính như estrogen và progesterone có sự biến đổi. Thay đổi này có thể góp phần tạo nên các triệu chứng rối loạn tiền kinh nguyệt ở một số chị em.
- Hệ thống thần kinh trung ương: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sự biến đổi của mức serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến tâm trạng) trong não có ảnh hưởng đến các triệu chứng của PMS.
- Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu cũng đã cho thấy rằng PMS có thể có yếu tố di truyền, đặc biệt nếu có nguy cơ gia đình cao hơn nếu mẹ hoặc chị em gái của bạn cũng thường xuyên trải qua các biểu hiện tiền kinh nguyệt.
Những biểu hiện của rối loạn tiền kinh nguyệt là gì?
Triệu chứng của PMS có sự đa dạng, ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất và hành vi. Một số biểu hiện dễ nhận biết hội chứng tiền kinh nguyệt có thể liệt kê bao gồm:
- Tâm lý: căng thẳng, trầm cảm, khó chịu, mất kiên nhẫn, khóc dễ dàng, tâm trạng thay đổi nhanh chóng.
- Thể chất: đau vùng ngực, đau đầu, mệt mỏi, khó ngủ, tăng cân, khó tiêu, đau bụng kinh, phù nề, đau lưng.
- Hành vi: thèm ăn, thay đổi khẩu vị, giảm ham muốn tình dục, kém tập trung, hiệu suất lao động giảm.
Triệu chứng rối loạn tiền kinh nguyệt có thể khác nhau ở từng người và thậm chí có thể thay đổi qua các chu kỳ kinh nguyệt.
Hội chứng tiền kinh nguyệt kéo dài trong bao lâu?
Như đã nói trước đó, hội chứng tiền kinh nguyệt thường xuất hiện trong khoảng thời gian 7 – 10 ngày ngày trước khi kinh nguyệt đến. Các triệu chứng thường giảm dần hoặc biến mất khi kinh nguyệt bắt đầu.
Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ và thời gian kéo dài của triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người và thậm chí có thể thay đổi từ chu kỳ này sang chu kỳ kinh nguyệt khác.
Chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt bằng cách nào?
Để chẩn đoán hội chứng tiền kinh nguyệt một cách chính xác, bác sĩ cần quan sát và xác nhận các dấu hiệu sau đây ở người bệnh:
- Triệu chứng phải xuất hiện trong khoảng 5 ngày trước khi chu kỳ kinh mới bắt đầu và tiếp tục tồn tại liên tục trong ít nhất ba chu kỳ kinh nguyệt liên tiếp. Để hỗ trợ quá trình chẩn đoán, việc ghi nhớ các triệu chứng trong 2-3 chu kỳ kinh gần nhất của bạn là cần thiết. Hãy lưu ý chúng xuất hiện vào những ngày nào trong tháng và thời điểm chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu. Việc này sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng của bạn và đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.
- Thông thường triệu chứng sẽ giảm dần và chấm dứt trong vòng 4 ngày sau khi chu kỳ kinh mới bắt đầu.
- Những triệu chứng này ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Đâu là phương pháp điều trị và cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt?
Tập thể dục
Đối với nhiều chị em, thường xuyên thực hiện các bài tập vận động có thể giúp tăng nhịp thở và nhịp tim, từ đó giảm các triệu chứng do hội chứng tiền kinh nguyệt gây ra. Đồng thời, việc tập thể dục cũng có thể giúp giảm mệt mỏi và ngăn ngừa trầm cảm.
Các hoạt động tập thể dục như đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, và bơi lội có thể tăng cường sức khỏe tim mạch và hệ hô hấp.
Hãy đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và kiên trì thực hiện để luôn duy trì sức khỏe dẻo dai.
Giải tỏa căng thẳng
Khi đối mặt với hội chứng tiền kinh nguyệt, cố gắng tìm cách thư giãn và giảm căng thẳng. Bác sĩ có thể gợi ý áp dụng các phương pháp thư giãn như bài tập hô hấp, thiền, và yoga để giảm các triệu chứng. Bên cạnh đó, liệu pháp massage cũng là một phương pháp trị liệu đơn giản khác mà bạn có thể thử áp dụng.
Đồng thời, việc có giấc ngủ đủ giờ cũng đóng vai trò quan trọng giúp phụ nữ có đủ sức khỏe để chống lại những cơn đau bụng tiền kinh nguyệt. Hãy duy trì thói quen đi ngủ đúng giờ và cố gắng thức dậy, đi ngủ vào cùng một thời điểm hàng ngày, kể cả vào cuối tuần. Thực hiện cách này sẽ mang lại lợi ích giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi.
Cân nhắc sinh hoạt và chế độ ăn hàng ngày theo hướng tích cực
Chị em có thể tham khảo những điều chỉnh đơn giản trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt:
- Tăng cường bổ sung Carbohydrate phức hợp: Một chế độ ăn giàu carbohydrate phức hợp có thể làm dịu biến đổi tâm trạng và cảm giác thèm ăn. Các nguồn carbohydrate phức hợp thường xuất hiện trong thực phẩm từ ngũ cốc nguyên hạt như: bánh mì ngũ cốc, mì ống, hạt ngũ cốc, lúa mạch, gạo nâu và đậu lăng.
- Bổ sung canxi: Hãy thêm các thực phẩm giàu canxi như sữa chua và rau lá xanh vào thực đơn hàng ngày của bạn.
- Giảm lượng chất béo, muối và đường: Hạn chế lượng chất béo, muối và đường trong khẩu phần ăn.
- Tránh đồ uống có cồn và cafein: Hạn chế uống bia, rượu và các đồ uống chứa cafein như trà đen, cà phê.
- Chia nhỏ bữa ăn: Thay vì ăn ba bữa chính, hãy chia thành sáu bữa nhỏ trong ngày hoặc giảm lượng thức ăn trong ba bữa chính và bổ sung bằng ba bữa ăn nhẹ.
- Đảm bảo mức đường trong máu ổn định: Giữ cho mức đường trong máu luôn ổn định cũng là một phương pháp giúp giảm triệu chứng tiền kinh nguyệt.
Có thể thấy rằng, hội chứng rối loạn tiền kinh nguyệt có khả năng xuất hiện với mọi phụ nữ, gây ra mệt mỏi và tình trạng khó chịu. Trong tình huống như vậy, điều quan trọng và cần thiết là bạn cần tự chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu những cảm giác khó chịu mình phải trải qua.
Trong trường hợp các dấu hiệu tiền kinh nguyệt kéo dài, phức tạp và gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, bạn nên đến các cơ sở y tế để tiến hành thăm khám và kiểm tra về nguy cơ rối loạn tiền kinh nguyệt . Điều này không chỉ đơn giản là những biểu hiện thông thường trước kỳ kinh nguyệt mà còn là tín hiệu cảnh báo về các bệnh phụ khoa khác.