“Hậu covid” là một khái niệm gây nhiều ám ảnh cho chúng ta. Bên cạnh các tổn thương ở cơ quan hô hấp, COVID -19 có thể tác động đến nhiều cơ quan khác trên cơ thể, trong đó, đe dọa đến cả buồng trứng và sức khỏe sinh sản nữ giới. Song, không ít chị em chủ quan đã tiêm vắc xin nên không để ý đến những ảnh hưởng hậu covid. Vậy làm thế nào để chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ sau covid.
Theo định nghĩa của WHO, tình trạng hậu COVID-19 xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán thay thế. Tình trạng này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và thể chất, ảnh hưởng trực tiếp tới công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho thấy đa phần bệnh nhân còn tồn tại triệu chứng hậu COVID-19 từ 2 – 5 tháng (khoảng 68%), tuy nhiên có đến 17,4% bệnh nhân có triệu chứng hậu COVID-19 nhiều hơn 5 tháng và gần 5% bệnh nhân vẫn còn những triệu chứng này sau 10 tháng kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bệnh nhân thường có từ 2-3 triệu chứng điển hình liên quan đến hậu COVID-19 trong số 203 triệu chứng mà Bộ Y tế đã xác định, chủ yếu tập trung ở nhóm bệnh lý liên quan đến tâm thần như (chóng mặt, đau đầu, khó tập trung, mất ngủ, …) và nhóm bệnh lý về hô hấp (ho, khó thở).
Dưới đây là nhóm bệnh lý phổ biến của phụ nữ hậu covid19
Suy giảm chức năng buồng trứng và sức khỏe sinh sản
Covid khiến hoạt động của buồng trứng và tử cung bị ảnh hưởng làm giảm khả năng thụ thai (do nang trứng không phát triển) và giảm khả năng làm tổ của trứng.
Nguyên nhân của tình trạng này được giải thích theo cơ chế gây bệnh của virus SARS-CoV-2. Cấu trúc protein của virus này có các gai S. Những gai này rất có ái lực với thụ thể ACE 2 (angiotensin-converting enzyme 2). Khi muốn xâm nhập vào tế bào cơ thể người, virus phải gắn gai S với thụ thể ACE 2 nằm trên màng tế bào. Sau đó, chúng chuyển vật liệu di truyền, hòa vào nhân tế bào con người.
Thụ thể ACE2 hiện diện rất nhiều ở màng tế bào niêm mạc miệng, phổi, tim và các cơ quan khác khắp cơ thể, trong đó có cơ quan sinh dục – là cơ quan đích dễ bị virus tấn công. Ở nam nhiều nhất là tinh hoàn và ở nữ là buồng trứng, nội mạc tử cung. Vì thế, khi nhiễm COVID-19 thì khả năng sinh sản sẽ bị ảnh hưởng. Ở nữ sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của nang noãn, niêm mạc tử cung bị viêm, từ đó tác động xấu đến quá trình trứng thụ tinh và làm tổ.
Sự tác động của Covid-19 cũng dẫn đến sự suy giảm khả năng làm tổ của phôi. Do đó, một số chuyên gia cũng khuyến cáo các cặp vợ chồng mắc Covid-19 không nên có con cho đến khi điều trị xong.
Giảm ham muốn tình dục
Ngoài ra, covid19 cũng ảnh hưởng tới ham muốn tình dục ở nữ. Theo một nghiên cứu ở Pakistan cho thấy tỷ lệ nữ giới suy giảm ham muốn tình dục đáng kể so với trước khi mắc bệnh. Trong một cuộc khảo sát mới được công bố bởi Healthily – ứng dụng tự chăm sóc bản thân được phê duyệt đầu tiên trên thế giới – cho thấy gần một nửa số phụ nữ tham gia đã báo cáo tình trạng giảm ham muốn.
Nhóm bệnh lý đường hô hấp
Theo thống kê, di chứng ở cơ quan hô hấp là phổ biến hơn cả (chiếm khoảng 50% tổng số biểu hiện hậu COVID-19), bao gồm:
– Hội chứng tăng phản ứng đường thở sau viêm: kèm biểu hiện như: khó thở nhẹ, ho khan kéo dài, tức ngực, cảm giác hụt hơi.
– Rối loạn đông máu: tăng đông máu dẫn đến thuyên tắc động mạch phổi, kèm các dấu hiệu như sau: khó thở, đau tức ngực, ho và có thể ho ra máu, tăng nhịp tim-nhịp thở, có thể ngất.
Nhóm bệnh lý rối loạn tâm thần – thần kinh
Trưởng nhóm nghiên cứu Shirley Sylvester, chuyên gia cao cấp về sức khỏe phụ nữ tại New Brunswick, N.J. (Mỹ) và cộng sự lưu ý rằng sự khác biệt về cơ chế hoạt động giữa hệ thống miễn dịch của nam giới và phụ nữ có thể là một yếu tố quan trọng dẫn tới sự khác biệt về tình trạng COVID-19 ở 2 giới. Cụ thể bà cho biết: “Phụ nữ có các đáp ứng miễn dịch bẩm sinh và khả năng thích ứng nhanh và mạnh mẽ hơn, có thể bảo vệ họ khỏi nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng ban đầu. Tuy nhiên, chính sự khác biệt này có thể khiến phụ nữ dễ bị tổn thương hơn với các bệnh liên quan đến tự miễn dịch kéo dài so với nam giới”.
Sau khi mắc covid19, chị em dễ gặp các triệu chứng liên quan đến tâm thần như: rối loạn giấc ngủ, lo âu, stress kéo dài, suy giảm nhận thức, giảm trí nhớ, khó tập trung, sương mù não, thậm chí là trầm cảm nếu không được can thiệp kịp thời.
Trên đây là các nhóm bệnh lý/triệu chứng thường gặp ở phụ nữ hậu covid19. Để nâng cao sức khỏe, tăng cường đề kháng, chị em cần duy trì một chế độ sinh hoạt, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, tập luyện đều đặn và đặc biệt là bổ sung nội tiết tố kịp thời để cải thiện tình trạng rối loạn nội tiết tố cũng như chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình một cách tốt nhất.