Nội tiết tố nữ liên tục có sự biến đổi, thậm chí chỉ trong 1 tháng cũng có tới 4 lần các hormone lên/xuống khác nhau. Điều này vô hình trung cũng khiến chị em có những thay đổi về sức khỏe, tâm sinh lý. Vậy nội tiết tố thay đổi như thế nào trong chu kỳ 1 tháng và làm sao để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu do sự thay đổi “chóng mặt” này?
Nội tiết tố thay đổi như thế nào trong chu kỳ 1 tháng
Trong 1 tháng (28 ngày) tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt được coi là ngày 1, người phụ nữ sẽ có những sự thay đổi nội tiết tố như sau:
Từ ngày 1- ngày 7: Estrogen và progesterone giảm
Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu khi người phụ nữ có dấu hiệu ra máu kinh. Giai đoạn này, estrogen và progesterone xuống thấp, khiến lớp trên cùng của niêm mạc tử cung dày lên, bong tróc, đẩy ra ngoài để chuẩn bị hình thành lớp niêm mạc mới cho chu kì tiếp theo. Khi này, máu kinh chính là lớp niêm mạc tử cung đã bong tróc.
Hoạt động đẩy máu kinh ra ngoài cơ thể tác động đến một số cơ quan như tử cung, buồng trứng, âm đạo… Trong đó, tử cung co bóp và cơ thể sản xuất ra nhiều hormone prostaglandin là nguyên nhân gây ra những cơn đau bụng kinh.
Ngoài ra, một số biểu hiện chị em sẽ gặp phải trong kỳ kinh là ăn không ngon; cơ thể mệt mỏi, rệu rã do mất máu; tâm lý nhạy cảm, bất thường. Để ứng phó với giai đoạn này, chị em đừng bỏ qua các phương pháp như:
- Uống nhiều nước
- Ăn nhiều trái cây, gia vị như gừng, nghệ, bổ sung sắt và protein trong cải xoăn, cải xoong, cá, thịt g,…
- Hạn chế đồ cay nóng, nhiều muối, nhiều đường.
- Dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục nhẹ nhàng, thư giãn
Từ ngày 8 – ngày 14: Estrogen và testosterone tăng hết mức
Nối tiếp sau chu kỳ kinh nguyệt là giai đoạn rụng trứng. Đây là giai đoạn nồng độ estrogen và testosterone tăng cao, tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng, phóng thích trứng.
Ở những ngày này, chị em luôn cảm nhận được năng lượng dồi dào, thấy tự tin về nhan sắc, ngoại hình, vui vẻ, tích cực, hạnh phúc trong công việc và các mối quan hệ trong cuộc sống do tác động tích cực từ các hormone. Không chỉ vậy, chuyện sinh lý cũng có những chuyển biến rõ nét. Người phụ nữ cảm cảm thấy hưng phấn với tình dục hơn, tăng ham muốn, cực khoái và giảm cảm giác khô hạn.
Tuy nhiên hormone tăng cũng làm cơ thể tiết ra nhiều dầu, là thời cơ để tác nhân bên ngoài xâm nhập, gây bít tắc lỗ chân lông và gây mụn. Chị em cần chú ý chăm sóc làn da để tránh việc hình thành mụn nhé.
Từ ngày 15 – ngày 22: Progesterone tăng, estrogen và testosterone giảm một nửa, sau đó estrogen tăng trở lại
Đây được gọi là giai đoạn hoàng thể sau rụng trứng, lúc này nồng độ hormone tạo hoàng thể và hormone kích thích nang trứng giảm. Nang trứng vỡ sẽ đóng lại và hình thành thể vàng, sản xuất progesterone. Progesterone và estrogen làm cho niêm mạc tử cung dày hơn, để chuẩn bị cho quá trình thụ tinh.
Nồng độ progesterone tăng, gây ra một số biểu hiện khó chịu như gia tăng cơn buồn ngủ, gia tăng cảm giác thèm ăn, lười vận động, giảm ham muốn tình dục. Hormone này cũng có thể khiến chị em trở nên “não cá vàng”, dễ bị viêm da và nổi mụn.
Giai đoạn này, chị em nên bổ sung thực phẩm có lợi như trái cây, rau củ và nước uống đều đặn mỗi ngày và hạn chế căng thẳng. Các hoạt động thể dục trong giai đoạn này được khuyến khích tập vừa đủ.
Từ ngày 23 – ngày 28: Estrogen và progesterone sẽ giảm đột ngột
Khi trứng không được thụ tinh dẫn tới thể vàng thoái hóa. Progesterone và estrogen giảm, các lớp trên cùng niêm mạc rụng để bắt đầu chu kỳ kinh mới. Còn nếu trứng được thụ tinh, hoàng thể sẽ hoạt động và duy trì thai kỳ trong thời gian đầu.
Chuỗi ngày trước khi có kỳ kinh, nồng độ estrogen giảm cũng khiến hóa chất dẫn truyền thần kinh não bộ giảm. Điều này lý giải cho hiện tượng chị em dễ cáu gắt, ủ rũ, mệt mỏi, thay đổi tâm lý thất thường, cơ thể nặng nề, luôn có cảm giác buồn ngủ. Một số người còn dễ bị hạ đường huyết. Đây cũng được gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt.
Giai đoạn này, chị em đừng quên nuông chiều bản thân bằng những thú vui hoặc thói quen sinh hoạt ưa thích, từ đó kích hoạt hormone hạnh phúc ở não bộ, giảm đi sự khó chịu do các triệu chứng rối loạn nội tiết tố gây ra.
Ngoài ra, chị em có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga, thiền, hạn chế chất kích thích để không ảnh hưởng tới kinh nguyệt, massage nhẹ nhàng. Đặc biệt tránh xa căng thẳng, kẻ thù của giai đoạn rối loạn nội tiết tố.
Kết luận
Hiểu về việc nội tiết tố thay đổi như thế nào trong chu kỳ 1 tháng, chị em sẽ có thể áp dụng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn một cách lành mạnh, giúp hạn chế các triệu chứng khó chịu, gia tăng chất lượng cuộc sống.