Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì đang ngày càng phổ biến và khiến nhiều bạn lo lắng. Nếu không cải thiện kịp thời, tình trạng này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe sinh sản của các bạn trẻ. Vậy làm sao để khắc phục? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Kinh nguyệt là gì? Thường xuất hiện ở độ tuổi nào?
Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý đặc trưng của nữ giới khi bước vào giai đoạn dậy thì, đánh dấu khả năng mang thai ở phụ nữ. Ở tuổi dậy thì, não bộ truyền tín hiệu cho cơ thể sản xuất hormone sinh dục nữ, lớp niêm mạc tử cung trở nên dày hơn. Buồng trứng sẽ phóng thích trứng, gọi là quá trình rụng trứng. Sau khi rụng, trứng sẽ di chuyển theo ống dẫn trứng về phía tử cung để làm tổ.
Việc mang thai sẽ không xảy ra khi trứng không gặp và thụ tinh với tinh trùng. Thay vào đó, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong ra và chảy máu ra ngoài âm đạo. Đây được gọi là quá trình xuất hiện kinh nguyệt.
Chu kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu khi nữ giới bước vào tuổi dậy thì (trung bình 11 – 18 tuổi) và chấm dứt khi bước vào giai đoạn mãn kinh (trung bình 47 – 55 tuổi). Thời gian xuất hiện và kết thúc có thể khác nhau tùy cơ địa mỗi người.
Chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào?
Một chu kỳ kinh nguyệt sẽ được tính từ ngày đầu tiên chảy máu trong tháng cho đến ngày đầu tiên chảy máu của tháng tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ xuất hiện hàng tháng. Mỗi một chu kỳ thường kéo dài từ 3 – 7 ngày tùy từng người. Khoảng cách giữa các chu kỳ từ 22 – 35 ngày.
Kinh nguyệt như thế nào được coi là không đều?
Kinh nguyệt không đều là khi chu kỳ quá ngắn hoặc quá dài, khoảng cách giữa các kỳ kinh cách xa nhau hoặc quá gần, lượng máu kinh quá ít hoặc quá nhiều. Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là phổ biến nhất do hoạt động của hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng chưa nhịp nhàng, dẫn tới việc sản xuất hormone progesterone và estrogen không đều, kéo theo chu kỳ rụng trứng và kinh nguyệt không đều.
Các hình thức của kinh nguyệt không đều:
- Kinh sớm: Kinh nguyệt có thể đến sớm 3 – 7 ngày, thậm chí kinh nguyệt diễn ra 2 lần/tháng.
- Chậm kinh: Kinh nguyệt đến muộn 10 ngày hoặc nhiều hơn
- Rong kinh: Kinh nguyệt kéo dài trên 7 ngày.
- Kinh thưa: Chậm kinh 2 tháng, 3 tháng, khoảng cách giữa các chu kỳ 3-5 tháng
- Vô kinh: Không xuất hiện kinh nguyệt trên 6 tháng hoặc 1 năm.
Kinh nguyệt ở tuổi dậy thì khi nào là bình thường khi nào bất thường?
Các dấu hiệu bình thường về kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Kinh nguyệt bình thường ở tuổi dậy thì là khi:
- Nữ giới bắt đầu có kinh từ 11-18 tuổi
- Vòng kinh khoảng 22-35 ngày
- Thời gian hành kinh từ 3-7 ngày
- Lượng máu kinh trung bình 50-80ml mỗi kỳ kinh
- Máu kinh có màu đỏ tươi, không đông, mùi hơi nồng, không tanh.
Các dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt ở tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là giai đoạn kinh nguyệt có nhiều bất thường với những dấu hiệu sau:
- Chu kỳ kinh nguyệt ít hơn 21 ngày hoặc kéo dài hơn 35 ngày.
- Thời gian hành kinh ít hơn 3 ngày hoặc kéo dài hơn 7 ngày.
- Lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít.
- Màu sắc máu: đen, lẫn các cục máu đông.
- Có dấu hiệu ra máu ít hoặc nhiều giữa 2 kỳ kinh.
- Thời gian giữa 2 chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.
- Rong huyết: ra máu không liên quan đến kỳ kinh
- Kinh nguyệt bị ngừng khoảng 6 tháng trở lên hoặc trường hợp chưa bao giờ có kinh.
- Đau bụng dữ dội, đau lưng, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy… trong kỳ kinh.
Thông tin trên đây giúp các bạn nữ hiểu thế nào là hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Vậy tại sao lại có tình trạng này, nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt – hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì gây ra nhiều phiền toái và ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe sinh sản của nữ giới. Do vậy, việc tìm hiểu nguyên nhân là vô cùng quan trọng.
Dưới đây là một số nguyên nhân chính gây rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì:
Nội tiết tố chưa ổn định
Nhắc đến nội tiết tố là nhắc đến estrogen và progesterone. Hai nội tiết tố này đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia điều phối chu kỳ rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới.
Tuy nhiên, ở tuổi dậy thì, hệ trục não bộ dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng hoạt động chưa nhịp nhàng, khiến nồng độ nội tiết tố nữ được tiết ra chưa ổn định, thậm chí rối loạn, kéo theo đó là chu kỳ kinh nguyệt, rụng trứng chưa đều đặn trong ít nhất 3 năm đầu của tuổi dậy thì.
Tác dụng phụ của thuốc
Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì cũng xuất phát từ tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị, như: thuốc tránh thai, thuốc chữa u tuyến giáp, thuốc hóa trị, thuốc chống đông máu, trầm cảm…
Stress kéo dài
Áp lực học tập, thi cử có thể khiến nữ giới tuổi dậy thì gặp căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình sản sinh nội tiết tố estrogen và progesterone, gây ra hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì.
Thừa cân hoặc sụt cân quá nhanh
Do nguyên nhân nào đó khiến cân nặng của nữ giới thay đổi đột ngột, tăng giảm quá mức cũng là nguồn cơ dẫn tới tình trạng kinh nguyệt không đều, kèm theo các triệu chứng: chán ăn, mất ngủ, rụng tóc, đau đầu…
Các bệnh phụ khoa
Nguyên nhân gây hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có thể do một số bệnh phụ khoa phổ biến như: hội chứng buồng trứng đa nang , u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe và dẫn tới vô sinh ở nữ giới.
Cách điều trị hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Biện pháp dùng thuốc tây y
Thuốc điều trị rối loạn kinh nguyệt sẽ được các bác sĩ kê đơn, có nguồn gốc từ thuốc tránh thai, là những nội tiết tố như estrogen, progesterone, gồm các estrogen, progestatif, phối hợp estrogen – progestatif.
Thuốc nội tiết có tác dụng bổ sung và cân bằng nội tiết tố nữ, từ đó giúp chị em cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ, bởi có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
Thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống
Chị em có thể chủ động cải thiện bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện hợp lý, khoa học như: ăn đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế đồ ngọt, đồ chiên rán, chất kích thích, tăng cường rau củ quả; tránh thức quá khuya hoặc học tập, làm việc quá sức; giữ tinh thần thoải mái, duy trì các sở thích tích cực để giảm stress; không ăn kiêng quá mức hoặc tăng cân quá nhanh; duy trì chế độ tập luyện thể dục đều đặn mỗi ngày, không tập quá nặng; vệ sinh vùng kín hàng ngày, đặc biệt trong những ngày “đèn đỏ” hoặc trước và sau khi quan hệ…
Điều trị bằng bài thuốc Đông y
Bài thuốc 1:
– Công dụng: bài thuốc dùng cho phụ nữ bị rong kinh do chứng tỳ khí hư.
– Chuẩn bị: Hoàng kỳ 20g, Chích thảo 4g, Đương quy 12g, Thăng ma 4 – 6g, Đẳng sâm 12g, Trần bì 4 – 6g, Sài hồ 6 – 10g, Bạch truật 12g
– Cách làm: Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang
Bài thuốc 2:
– Công dụng: chữa khí hư, hư nhiệt, máu kinh ít
– Chuẩn bị: Sinh địa 40g, A giao 12g, Bạch thược 20g, Huyền sâm 40g, Địa cốt bì 12g, Mạch môn 20g.
– Cách làm: Sắc uống mỗi ngày một thang, uống liên tục 5 – 10 thang giúp điều hòa kinh nguyệt
Bài thuốc 3:
– Công dụng: chữa chứng hư hàn, giúp điều hòa lượng máu kinh, lưu thông khí huyết, thích hợp với người thể hàn, sợ lạnh.
– Chuẩn bị: Thục địa 12g, Can khương 8g, Xương hồ 8g, Ngải cứu 12g, Xuyên khung 10g, Đảng sâm 12g, Hà thủ ô 10g.
– Cách làm: Sắc uống mỗi ngày một thang, uống 5 – 10 thang.
Bài thuốc 4:
– Công dụng: trị chứng huyết ứ, kinh nguyệt không đều
– Chuẩn bị: Sinh địa 12g, Uất kim 8g, Ích mẫu 16g, Xuyên khung 8g, Kê huyết đằng 16g, Đào nhân 8g.
– Cách làm: Sắc uống mỗi ngày một thang, uống 5 – 10 thang.
Bổ sung nội tiết tố nữ từ mầm đậu nành
Bổ sung nội tiết tố từ mầm đậu nành là phương pháp phổ biến hiện nay. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, trong mầm đậu nành có chứa Isoflavone – hoạt chất có cấu trúc phân tử và tác dụng gần giống estrogen nội sinh trong cơ thể phụ nữ, từ đó giúp cân bằng nội tiết tố nữ. Đặc biệt với những sản phẩm được chiết xuất dạng viên nang tiện lợi, với nguồn nguyên liệu sạch, không biến đổi gen, giúp bổ sung nội tiết tố một cách tự nhiên, an toàn, có thể tự đào thải khi dư thừa. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nên lựa chọn sản phẩm dạng tinh chất mầm đậu nành để có hàm lượng hoạt chất cao nhất.
Biện pháp phòng tránh rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì
Duy trì chế độ ăn lành mạnh
Xây dựng và duy trì chế độ ăn đủ dinh dưỡng, lành mạnh là yếu tố quan trọng đầu tiên để cơ thể khỏe mạnh, các cơ quan bộ phận hoạt động nhịp nhàng, góp phần ổn định chu kỳ kinh nguyệt, hạn chế tối đa hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì.
Bạn cần đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ 4 nhóm chất: bột đường, đạm, chất béo tốt, vitamin và khoáng chất. Hạn chế ăn các loại đồ ăn chiên rán, mỡ động vật, đồ ngọt. Tránh xa chất kích thích: rượu, bia…
Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý
Thức quá khuya, stress quá mức… không chỉ khiến bạn mệt mỏi, tinh thần uể oải mà còn là những gây rối loạn nội tiết tố nữ, từ đó dẫn tới rối loạn kinh nguyệt. Đi ngủ sớm, tránh thức khuya, đảm bảo ngủ 8 tiếng/ngày là việc bạn nên làm để duy trì một sức khỏe ổn định ở tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, cần cân đối thời gian học tập, làm việc và nghỉ ngơi phù hợp, giữ tinh thần thoải mái, dành thời gian thư giãn với các sở thích cá nhân để tái tạo năng lượng cho một ngày mới làm việc hiệu quả.
Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Nhiều bạn nữ trong tuổi dậy thì chưa để ý việc chăm sóc sức khỏe và vệ sinh vùng kín. Trong khi điều này là yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe sinh sản ổn định. Bạn cần vệ sinh vùng kín bằng dung dịch chuyên dụng và có thành phần lành tính, đặc biệt trong những ngày “đèn đỏ”; thay băng vệ sinh 2-3 tiếng/lần; thay quần chíp 3-6 tháng/lần để ngăn ngừa vi khuẩn, nấm ngứa xâm nhập gây viêm nhiễm.
Tập thể dục thường xuyên
Lười vận động là thói quen xấu của các bạn trẻ hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe. Do đó, duy trì chế độ thể dục thể thao đều đặn 30 phút/ngày sẽ giúp nữ giới ở tuổi dậy thì tăng cường lưu thông máu, tăng cường trao đổi chất và sức đề kháng, đặc biệt giúp điều hòa nội tiết tố cho cơ thể, phòng tránh tình trạng rối loạn kinh nguyệt hiệu quả. Tuy nhiên, không nên tập luyện quá sức hoặc quá lâu.
Khám phụ khoa định kỳ
Khám sức khỏe nói chung và khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần giúp bạn tầm soát bệnh lý và kịp thời có biện pháp điều trị phù hợp, đặc biệt là những bệnh lý liên quan đến tử cung, buồng trứng. Nếu có những dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn.
Câu hỏi thường gặp
Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có sao không – có nguy hiểm không?
Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy là tình trạng khá phổ biến, tuy nhiên cũng gây nhiều ảnh hưởng tới tâm lý, cuộc sống và sức khỏe sinh sản của nữ giới.
Nếu tình trạng này chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn thì bạn không cần lo lắng quá, chỉ cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện lành mạnh để nội tiết tố duy trì ổn định.
Tuy nhiên, nếu kinh nguyệt không đều kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm, có thể khiến bạn gặp một số ảnh hưởng sau:
– Da xanh xao, nhợt nhạt, thiếu sức sống, dễ bị nám, tàn nhang, lỗ chân lông to, nổi mụn.
– Cơ thể mệt mỏi, tâm lý bất ổn, dễ nổi cáu, dễ tổn thương
– Thiếu máu: khiến người mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, tim đập nhanh…
– Nguy cơ mắc bệnh phụ khoa: kinh nguyệt kéo dài không chỉ gây bất tiện cho nữ giới mà còn tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển, gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa ở tuổi dậy thì.
– Bệnh lý nguy hiểm: Kinh nguyệt không đều kéo dài là biểu hiện của một số bệnh phụ khoa như: đa nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung…
– Giảm khả năng thụ thai do rối loạn chu kỳ rụng trứng
– Nguy cơ vô sinh, hiếm muộn nếu không được điều trị kịp thời.
Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Bạn cần đến gặp bác sĩ ngay khi thấy tình trạng kinh nguyệt không đều kéo dài trên 3 tháng, kèm theo dấu hiệu: mệt mỏi, chán ăn, đau bụng dữ dội, rong kinh kéo dài hoặc vô kinh trên 6 tháng…
Bệnh kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có chữa được không?
Hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì không phải là một bệnh lý và hoàn toàn có thể khắc phục nếu bạn xác định rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu đây là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa nghiêm trọng như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, đa nang buồng trứng, ung thư tử cung… thì sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh và quá trình điều trị của bệnh nhân.
Khoảng thời gian hành kinh ở mỗi trẻ có giống nhau không?
Tùy vào cơ địa, khoảng thời gian hành kinh ở mỗi bạn là không giống nhau, có người kéo
dài trên 7 ngày và chu kỳ dài trên 40 ngày, có người lại kéo dài 3 ngày và chu kỳ dưới 25
ngày, với lượng máu kinh cũng khác nhau. Nên bạn không cần quá lo lắng khi chu kỳ “đèn đỏ” của mình không giống mọi người.
Lời khuyên dành cho bạn gái tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển tất yếu trong đời của mỗi người. Với nữ giới, đặc trưng nhất của thời kỳ này là xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt, chính thức đánh dấu bạn có khả năng mang thai và làm mẹ. Đây vừa là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng là nỗi lo nếu xảy ra hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì, bởi nguy hiểm nó có thể dẫn tới vô sinh.
Do đó, các bạn gái ở tuổi dậy thì cần lưu ý những vấn đề sau:
– Để ý chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng, nếu có dấu hiệu bất thường kể trên, cần đi kiểm tra ở cơ sở chuyên khoa.
– Tìm hiểu kỹ về cách chăm sóc vùng kín và quan hệ tình dục an toàn, để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ không tốt cho sức khỏe.
– Không tự ý sử dụng các loại thuốc điều hòa kinh nguyệt khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt là các loại thuốc tránh thai.
– Kiểm tra sức khỏe và khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện bất thường và bệnh lý liên quan.
– Duy trì một lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện hợp lý, khoa học.
– Giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, tránh stress quá mức
Trên đây là những thông tin xoay quanh hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Hy vọng đã giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng tránh tình trạng rối loạn kinh nguyệt an toàn, hiệu quả.