Đau bụng kinh là gì?
Những cơn đau thường xuất hiện mỗi khi chị em đến kỳ kinh nguyệt (có thể xuất hiện ngay trước hoặc trong kỳ kinh) được gọi là đau bụng kinh hay đau bụng đến tháng. Đây là những cơn đau hoặc co thắt khiến chị em cảm thấy đau quặn ở vùng dưới. Một số chị em sẽ chỉ thấy hơi khó chịu và bị phiền nhiễu với những cơn đau này những nhiều chị em lại bị đau bụng kinh dữ dội khiến khó chịu, đau đớn cản trở đến những hoạt động bình thường trong vài ngày.
Đặc biệt, với những bệnh nhân bị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung sẽ khiến cơn đau bụng kinh trở nên dữ dội và nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân, triệu chứng cũng như các cách giúp giảm đau hiệu quả là việc cần làm để không bị ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Phân loại đau bụng kinh
Dựa vào nguyên nhân gây nên để phân loại đau bụng kinh. Hiện các chuyên gia chia thành 2 loại là đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.
Đau bụng kinh nguyên phát
Đau bụng kinh nguyên phát là những cơn đau xuất hiện không liên quan đến các bệnh lý khác và lặp lại trong những lần có kinh. Cơn đau thường xuất hiện bắt đầu trước 1 đến 2 ngày hoặc xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt. Chị em thường cảm thấy đau ở bụng dưới, có khi kèm theo đau lưng hay đùi. Cơn đau ở mức độ nhẹ đến nặng tùy người, có thể xuất hiện kèm cảm giác buồn nôn, mệt mỏi, tiêu chảy nhé. Cơn đau thường kéo dài từ 12 đến 72 giờ.
Đau bụng kinh thứ phát
Khác với đau bụng kinh nguyên phát, đau bụng kinh thứ phát là cơn đau liên quan đến một rối loạn hay bệnh lý ở cơ quan sinh sản của phụ nữ, như lạc nội mạc tử cung, bệnh tuyến tử cung, u xơ tử cung hay nhiễm trùng. Loại đau này thường diễn ra trước khi kỳ kinh bắt đầu và kéo dài hơn cơn đau bụng kinh thông thường. Cơn đau đau bụng kinh thứ phát thường không kèm theo buồn nôn, nôn, mệt mỏi hay tiêu chảy.
Những triệu chứng đau bụng kinh thường gặp?
Các triệu chứng thường thấy ở một con đau bụng kinh có thể kể đến như:
- Có cảm giác đau quặn ở vùng dưới, có khi gây ra những cơn đau dữ dội.
- Cơn đau thường xuất hiện bắt đầu trước 1 đến 2 ngày hoặc xuất hiện trong chu kỳ kinh nguyệt
- Đau nhất sẽ vào ngày đầu tiên của chu kỳ, sau đó sẽ giảm dần sau 2 đến 3 ngày.
- Cơn đau diễn ra liên tục, đau âm ỉ
- Cơn đau có thể lan ra vùng lưng dưới và xuống dưới đùi
Ngoài những triệu chứng trên một số chị em phụ nữ còn bị đau bụng kinh kèm theo một số dấu hiệu như: buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, đầy hơi, mệt mỏi thậm chí có thể đi ngoài phân lỏng nhưng cũng có người bị táo bón, đổ mồ hôi…
Khi nào đau bụng kinh nên đến gặp bác sĩ?
Đau bụng kinh là một hiện tượng hết sức bình thường gặp ở 90% chị em phụ nữ nên chị em không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, có một số trường hợp đau bụng kinh mà bạn cần chú ý hơn cũng như cần đến gặp bác sĩ để có thể được kiểm tra và xác định nguyên nhân chính xác gây đau cũng như có biện pháp hỗ trợ. Cụ thể
- Đau bụng kinh dữ dội, gây ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống hàng ngày
- Các triệu chứng đau gặp phải có xu hướng đau nhiều hơn càng lúc càng trở nên nghiêm trọng
Nguyên nhân gây đau bụng kinh là gì?
Nguyên nhân khiến chị em gặp phải những cơn đau bụng kinh chính là do quá trình tử cung tăng co bóp để làm bong lớp niêm mạc tử cung và tống xuất trứng ra ngoài cơ thể nếu như trứng không gặp tinh trùng và xảy ra quá trình thụ tinh. Trong lúc thành tử cung co lại, các mạch máu ở lớp niêm mạc tử cung bị chèn ép. Điều này khiến cho nguồn máu và oxy cung cấp đến tử cung tạm thời bị gián đoạn. Khi thiếu oxy, các mô trong tử cung bắt đầu giải phóng ra các chất hóa học gây đau.
Một chất trung gian hóa học khác cũng được tăng sản xuất có tên gọi là prostaglandin. Chất này khiến cho cơ tử cung co bóp nhiều và mạnh hơn, làm tăng mức độ đau trong thời điểm này.
Những cơn đau này xuất hiện có thể là chỉ âm ỉ nhẹ nhàng trôi qua nhưng cũng có nhiều chị em bị đau bụng kinh dữ dội, đau quằn quại… Nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra có thể là tùy thuộc vào cơ địa từng người nên có một số người có thể tích tụ nhiều prostaglandin hơn trong cơ thể khiến cho quá trình co thắt tử cung diễn ra mạnh hơn làm cơn đau trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài nguyên nhân trên thì theo các chuyên gia sản phụ khoa cơn đau bụng kinh của chị em còn có khả năng liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn như: u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, hẹp cổ tử cung, bệnh tuyến tử cung… thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi.
Nguyên nhân gây đau bụng kinh cũng có thể liên quan đến các dụng cụ tránh thai như vòng tránh thai IUD, các cơn đau có thể gặp phải trong vài tháng đầu được đặt và sẽ dần ổn định sau thời gian sau đó.
Vậy bị đau bụng kinh và có kèm một trong các dấu hiệu kể trên cần làm gì? Câu trả lời là bạn hãy đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được kiểm tra, xác định nguyên nhân và điều trị nếu cần.
Chẩn đoán nguyên nhân đau bụng kinh
Để chẩn đoán được chính xác nguyên nhân đau bụng kinh thường các bác sĩ sẽ tiến hành khám phụ khoa, khám sức khỏe và tìm hiểu tiền sử gia đình. Khi khám phụ khoa, các bác sĩ sẽ kiểm tra tìm kiếm bất thường trong cơ quan sinh sản và xem có dấu hiệu nhiễm trùng hay không. Nếu nghi ngờ bạn có bệnh lý gây ra đau bụng kinh, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm một số xét nghiệm, như:
- Siêu âm để có thể thấy được hình ảnh của tử cung, cổ tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng xem có gì bất thường hay không?
- Làm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh khác như: chụp CT hay MRI, chụp CT kết hợp với X-quang.
- Nội soi ổ bụng: việc này giúp bác sĩ có thể phát hiện tình trạng lạc nội mạc tử cung, mô dính, u xơ tử cung, u nang buồng trứng hay mang thai ngoài tử cung khi thực hiện nội soi ổ bụng.
Làm cách nào để giảm đau bụng kinh tức thời ngay tại nhà?
Để có thể giảm nhẹ nhanh nhất các triệu chứng của đau bụng kinh, chị em có thể áp dụng một số cách sau:
- Sử dụng túi chườm chứa nước ấm đặt lên vùng bụng dưới. Nếu không có túi chườm có thể thay bằng 1 chai nước ấm
- Tập luyện thể dục hoặc ngồi thiền, yoga… trước giai đoạn kỳ kinh đến giúp tăng cường sức khỏe cho bản thân, lưu thông khí huyết cũng như hỗ trợ giảm đau bụng kinh dữ dội.
- Tắm bằng nước ấm
- Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, tránh ăn đồ ngọt… sẽ khiến cơn đau trở nên trầm trọng hơn
- Nếu bạn bị đau bụng kinh dữ dội có thể sử dụng một số thuốc giảm đau. Với phương pháp này cần được sự tư vấn và kê đơn của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng.
Trên đây là một số thông tin về đau bụng kinh như: nguyên nhân đau bụng kinh, triệu chứng, cách chẩn đoán cũng như một số biện pháp nhanh có thể khắc phục tình trạng đau bụng kinh dữ dội ngay tại nhà chị em có thể tham khảo. Nếu còn thắc mắc về vấn đề này hãy gọi cho chúng tôi qua số 18006316 miễn phí cước gọi để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.
S.T